35 năm – ngày ấy bây giờ…
Trong một chuyến công tác về Huyện cho cơ quan của tôi; trên đường về tình cờ một người bạn đã gọi tôi ngồi chơi, trong chiếc bàn nhỏ của một quán ăn không đến nỗi tệ mà cũng không giàu sang gì cho lắm… bốn con người (kể cả tôi) đều là những công chức nhà nước bây giờ… sau những câu xã giao làm quen, mới biết những người bạn kia là cán bộ công an (địa phương), còn người kia là một cán bộ Xã, chúng tôi cũng đã có dịp làm quen nhau qua ly rượu “tình nghĩa” này. Nếu là những cuộc gặp gỡ bình thường thì không có gì đáng nói; nhưng đây – từ chỗ những người bạn xa lạ nhưng chân tình, tôi và họ đều là nhũng con người mà thời gian cách nay 35 năm là những người đã thuộc “hai chiến tuyến khác biệt”…
Cái nắng trưa gay gắt của tháng tư miền Nam sao mà oi bức lạ thường; nắng cháy da người, nắng đốt thiêu đi những ước mơ của con người, nắng khô cằn, ở những vùng quê như ở đây từng ngọn gió núi thổi về như hun đúc thêm cho cái nắng còn cao độ hơn lên. Trong một quán nhỏ gần khu Huyện, chúng tôi gặp nhau qua một người bạn, anh ấy là một cán bộ địa phương tôi ở; còn hai người kia cũng đang làm việc cho nhà nước hiện nay, gặp nhau tay bắt mặt mừng….
- Chào hai anh! Tôi liền nói.
- Ngồi chơi đi anh…
Người bạn tôi giới thiệu:
- Đây! Bạn tôi, làm thầy giáo ở ngoài đó cùng địa phương đấy.
Thế là được gặp mặt nhau qua một người quen biết; hai người bạn kia liền bắt tôi “chào bàn” hai ly xã giao, cái nắng tháng tư như cháy vào tận tâm can, mà bây giờ lại phải làm thủ tục chào bàn với những hai ly thì ruột gan đâu mà chịu trời cho thấu, nhưng đối với “luật lệ trong bàn nhậu” thì ai vào sau thì phải chịu lép vế như là đàn em, phải chào bàn… xong hai ly thủ tục, vừa bụng đói, vừa nóng, mồ hôi chảy ra tầm tã… nhưng tôi cũng phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”; một người bạn đành lấy sẵn cho tôi một chén thức ăn và “cho phép” tôi được ăn…
Cuộc nhậu không hẹn mà gặp, từ chuyện xã giao làm quen đến công ăn việc làm, đến những lần báo cáo… sau đó được chuyển qua đề tài khác – chiến tranh…
Hồi ấy, Tâm – (cán bộ công an địa phương bây giờ) là một trong những đơn vị du kích trong rừng ở khu vực Xuân Lộc ngày nay, anh thao thao kể lại những “chiến tích” do đơn vị của anh đã đạt được tại địa phương: những lần đắp mô, những lần phục kích các đoàn quân xa, những lần đánh úp vào các đồn bót ở các yếu điểm tại địa phương này, nhưng những ngày tháng tư năm ấy, anh cũng đã thú nhận:
- Hồi đó nếu không có các đơn vị chủ lực ở đây thì chúng tôi cũng không làm nên cơm cháo gì đâu, công nhận phía quân đội Saigon họ có nhiều loại súng ống rất ác chiến, cộng thêm có máy bay yểm trợ, nên đôi khi nhiều đơn vị chủ lực không thể bước qua nỗi một đoạn đường 5m…huống gì là tụi tôi ( )
Cuộc vui đã đi đến hồi “chén anh chén tôi…” men say cũng đã thấm được vào mỗi thớ thịt của châu thân, đã tung hoành trên thân thể của bốn con người… Tâm kể – diễn tả, và có vẻ “tự hào” về những chiến công thành tích mà đơn vị anh đã thu hái được, nói đúng hơn: anh Tâm đang ở vào một thế quân bình của một chiến tuyến gọi là chiến thắng, còn tôi – đang ở vào một phía gọi là chiến bại… Một cuộc chiến, trong những ngày hôm nay, cả nước đang háo hức vui mừng kỷ niệm lại 35 năm ngày “giải phóng đất nước”… Bước ra đường, ai ai cũng thấy những lá cờ đó rợp trời; cộng thêm tiếng ve kêu của mùa hè đầy hoa phượng – đâu đâu cũng thấy một màu đỏ chói; trong cái nắng như thiêu như đốt của cái chốn “Rừng lá” này, màu đỏ hoa phượng, màu cờ đất nước như thi gan cùng màu đỏ của mặt trời chói chang và nắng cháy, làm cho con người đứng giữa phải chịu sào – đau đớn, bực bội và khó chịu – nhớ lại những mùa hè, cứ vào độ mùa hè thì niềm vui và đau xót cứ mãi giằng xé nhau trong tâm can của con người…
Chợt Tâm và người bạn kia quay qua hỏi tôi:
- Hồi đó (1975), anh Hải làm gì ?
- Dạ, tôi cũng tham gia tại mặt trận Xuân Lộc
Người bạn tôi đỡ lời:
- Ổng là lính Saigon cũ mà…
Hai người bạn kia trố mắt nhìn tôi – thì ra “đến bây giờ” hai người bạn kia mới biết tôi là một trong những người “bên kia chiến tuyến “ của hồi đó…
- Nhưng mà thôi; cho gì thì gì – bây giờ là anh em cả (Tâm hình như đỡ lời…)
Tôi chợt nghĩ về cho những tháng ngày đã qua và hiện tại của hôm nay, hai khoảng trời định mệnh và cách biệt khác hẵn; trong bàn cho dẫu là chỉ có bốn con người; mỗi bên chỉ có hai, hình như đây là một “cuộc hội ngộ anh em” không bao giờ định trước; không ước hẹn… ba mươi mấy năm qua, cũng trong một mùa hè còn tồn tại, để rồi bốn con người còn sống sót còn gặp nhau nơi cái chốn đèo heo hút gió, trong một cuộc hội kiến bất ngờ, cùng gặp nhau và cùng ngồi lại – như để tâm tình cùng nhau chung một vấn đề… chợt Tâm hỏi lại tôi:
- Anh Hải hồi đó ở đơn vị nào ?
- Tôi là lính của Bộ Tổng Tham mưu Saigon cũ, đóng quân tại Long Bình; đi tăng cường tại Xuân Lộc vào những ngày ấy… Tại Xuân Lộc tôi đã có mặt ngay từ đầu khi mấy anh vừa tấn công vào… Ở Long Bình chúng tôi đi tăng phái bằng trực thăng …
- Hồi ấy anh Hải xuống đó làm nhiệm vụ gì?
Tôi đang mường tượng là đang ngồi trước những người cán binh giải phóng và họ đang khai thác tôi… (nhưng không phải thế, vì trong các câu hỏi, tôi nhận thấy chứa đựng những niềm ân tình); tôi trả lời tiếp:
- Nhiệm vụ của tôi hồi đó khi bắt đầu “nhảy” xuống Xuân Lộc; thứ nhất là tổng hợp các tin tức tình báo, liệt kê trận địa, và khai thác tin tức những tù binh bắt được, thứ hai là thu thập những thông tin mà những toán viễn thám P7 bắt được để trình lên cho Tư lệnh…
Người bạn của Tâm lại tiếp:
- Hình như Tư lệnh Xuân Lộc hồi đó là Tướng Đảo phải không anh ?
- Đúng rồi, tôi làm việc gần bên tướng Đảo, vì những tin “nóng” đều phải có nhiệm vụ thu thập và đệ trình lên Ổng ngay tức khắc…
- Vậy thì nhiệm vụ của anh H. cũng quan trọng đấy chứ nhỉ!
Tôi đỡ lại:
- Có gì đâu anh, cũng như bao công việc khác thôi, nhưng nhiệm vụ của mình là như thế thì phải làm thế thôi…
Người bạn bên cạnh tôi như được nước mở cờ – cùng với anh Tâm và người bạn kia tha hồ mà “thao thao bất tận” với những chiến công của mình vào thời ấy – nhưng nhìn nhận lại: chiến tranh – một cụm từ không ai muốn, vì nó gieo rắc biết bao đau thương và thống khổ cho con người.. không ai muốn như thế cả…
x
x x
Ngày hôm nay – khi tôi vừa viết xong bài Biệt khúc của mùa hạ – tôi đã nói về cho những mùa hè, nói về cho những khúc ca ly biệt, kèm theo những cành phượng đỏ rực trong những ngôi trường – và ngôi trường thân yêu của tôi cũng như biết bao nhiêu ngôi trường trên quê hương này cũng thế, nhạc sầu buồn mùa hạ cứ mãi vang vọng tiếng ve gọi hè, đêm về đau lòng con quốc quốc… Ngày hôm nay, ba mươi lăm năm mùa hè đã lần lượt trôi qua, ngồi đếm lại gần như một đời người – từ thưở giã từ sách đèn xếp bút nghiên lên đường “tòng chinh cứu nước” – nhưng đã cứu được cho những gì; Ngày hôm nay với những con người mà ngày ấy không cùng chung lý tưởng, hai bên chiến tuyến còn tha hồ xả súng vào nhau, nhìn được những cảnh chết chóc và thảm sầu, chứng kiến được biết bao giọt lệ cho nghìn thu trong những nỗi niềm xót thương! Tôi đã cảm nhận được những hình hài của ngày ấy – bây giờ, mà hôm nay hình như chỉ còn lại có bốn con người trong một không gian đầy nắng mùa hạ và rợp đỏ cờ hoa chiến thắng… Trong bốn con người còn hiện diện hôm nay – chắc hẵn đã có kẻ chiến thắng và người chiến bại, hai thái cực của những lý tưởng sống mà hôm nay đã được hòa hợp với một cõi ân tình…
Cuộc vui cứ dai dẳng và triền miên – giờ này không có ai to tiếng, không có ai tự hào, chỉ có bốn con tim ngồi lại nơi đây trong mùa nắng hạ, qua những ly rượu nghĩa tình mà trút cho nhau những lời ân nghĩa anh em – Tâm cũng như người bạn của Tâm; tôi cũng như bạn của tôi, cứ ôn lại một quãng đời đã qua – nhưng không tiếc nuối, chỉ có xót xa và “lỡ lầm”; chỉ còn có vô tình và hiện hữu, hai thái cực cũng giống như ngày xưa trên một trận chiến; còn bây giờ hai bên còn lại trên một cõi ân tình…
Vào giờ này trên các phương tiện truyền thông, người ta cứ thi nhau mà ca tụng cho một bên chiến thắng (không nói gì cho những người chiến bại); ca ngợi những công lao đóng góp cho ngày giải phóng toàn thắng. Tâm nhìn lại chúng tôi như xót thương và còn thông cảm cho những con người bị ngã ngựa thất trận… Hình như chính Tâm đã hiểu; đã tận tường cái cảnh “nồi da xáo thịt” trong tình nghĩa anh em một nhà; bên ly rượu nồng cháy tận tim gan; Tâm và người bạn hình như cũng còn biết xót xa; nhưng nỗi xót xa cho những con người trong cùng một cuộc chiến trong một đất nước, một thời đã nã súng vào nhau – ai chết mặc ai; lúc ấy chỉ có những người nằm xuống… những người tàn phế còn lại của hôm nay… Tâm và người bạn, tôi và một người bạn, bây giờ đang ngồi chung một cái bàn – không phải để hòa đàm, mà bốn con người của hai chiến địa cùng nhau thắm thiết những ân tình ân nghĩa…
Chợt nhiên tôi cũng cảm thấy động lòng, vì ngày xưa Tâm cũng là một cựu học sinh của một mái trường tại địa phương Xuân Lộc này, cứ sống, lớn lên và đếm thời gian qua ngày, cũng có những lần đếm mùa phượng đi qua; tuổi thơ của Tâm cũng có những lần đi trên những con đường làng... cũng nhiều lần ngồi trên lưng trâu, Tâm và người bạn ấy sống một đời với những cánh rừng, đồng ruộng – qua nỗi niềm tâm sự của Tâm – tuổi thơ Tâm ngày ấy hình như chưa biết ánh đèn của phố thị, chưa có lần ngắm phố đèn hoa… ngược lại tuổi thơ Tâm và người bạn cán bộ của Tâm chỉ biết những cánh đồng tại vùng quê dân dã Xuân Lộc này vào hồi đó, Tâm kể lại những ngày còn ê a trong nhiều bài học tại ngôi trường làng này, nhiều lần Tâm chứng kiến những trận càn của lính Saigon, những lần nhiều ông lính bắt gà, heo ngang nhiên của bà con trong xóm, tuổi thơ Tâm chưa biết gì là chính nghĩa, chưa hiểu gì là cách mạng… rồi một ngày, với sự xung khắc của người cha với mấy người lính quan quyền chế độ Saigon tại địa phương; cha của Tâm đồng ý cho những người cách mạng dẫn Tâm vào mật khu, hầu để tránh đi cái cảnh bắt lính và làm con thiêu thân trên các chiến trường…. Thế là tuổi thơ Tâm không học hành gì cho lắm, vào trong bưng được mấy anh, mấy chú dạy cho cái chữ, dạy cho cách đi liên lạc, dạy cho cách làm du kích…. Tâm cũng biết mỗi độ hè về là những lần được nghỉ học dài lâu, tha hồ mà tung tăng trên những cánh đồng, dòng sông La Ngà sao mà hiền hòa là một chuỗi ngày kỷ niệm đối với Tâm, và tuổi thơ Tâm có thể nói đã gắn chặt với hồn quê, đồng ruộng và những cánh diều, những con dế đêm hè đầy dẫy những tiếng quốc….
Khác hẵn với tôi, cho dẫu học hành chưa tới đâu, phần đời qua đi dưới những mái trường chắc cũng đủ cho tôi xót xa khi mỗi độ hè về; biết ngậm ngùi mỗi khi trao lại lưu bút cho người ta để rồi phải chia tay; khác hẵn với Tâm và mấy người bạn đời kia mỗi khi nhìn sắc phượng đỏ thắm; với Tâm chỉ biết hái xuống rồi dàn trận chơi đánh nhau, còn tôi thì chỉ nhìn hoa phượng đỏ rực giữa mùa hè mà lòng ngậm ngùi xao xuyến, mùa hè về, hoa phượng nở, ngày xưa còn đầy những chiến cuộc… ngày nay đã thôi rồi im tiếng súng, những con người của hai chiến hào “có quyền” gặp nhau và trò chuyện, có quyền nối kết những ân tình, quên đi ngày tháng mệt nhoài, quên cả việc ăn ngoài vùng chiến… mà giờ đây chỉ biết ngồi lại nơi đây cùng nhau trong chén ly bôi, chia sớt cho nhau những ngày tháng cũ; giữa một mùa hè mới, giữa những cành phượng hồng và những vần thơ ai đó ngân lên và quên ép vào trang sách nhỏ…
Buổi tiệc hình như đã trao hết những ân tình, cuộc hội ngộ chợt nhiên được nối kết thêm một tình bạn, một tình bạn thật đặc biệt có thể sẽ không bao giờ quên được… Ngày hôm nay, tôi - người viết lên những dòng tâm tình này để nói lên cho một tình bạn mới; chúng tôi những con người ở bên này, Tâm và người bạn kia lại ở chiến tuyến khác – hai lý tưởng của cuộc chiến cứ giằng xé nhau rồi cuối cùng có kẻ thắng, người thua, nhưng ở đây bốn người chúng tôi không tính chuyện hơn thua, mà Tâm là một người đã khởi xướng lên một tình bạn trong cái tình nghĩa hòa đồng, chỉ biết là anh em mà thôi; chúng tôi không tính chuyện hơn thua, mà Tâm cũng đã nói trong nỗi niềm: hôm nay chúng ta chỉ biết tất cả là anh em mà thôi, ở đây không có lính này lính kia, không có chế độ này chế độ kia, mà chúng ta chỉ biết mình là những con người VietNam, cùng chung một dòng máu…
Hình như cũng trong dòng máu ấy có màu đỏ, ngoài kia cũng có những chùm hoa phượng đỏ, dưới cái nắng tháng tư đỏ rực như những cờ hoa đỏ chói… tất cả một màu đỏ, màu nói lên cho một tình bạn rực sáng giữa một mùa hè màu đỏ của quê nhà hôm nay…
Nguyễn Ngọc Hải
Kỷ niệm một tình bạn tháng tư lần thứ 35.