Mình đi tu từ bé. Năm 29 tuổi, “nỗi lòng A-đam” nổi lên cuồn cuộn trong người, không chịu thấu nên vác va-li xin về. Bài “Nỗi lòng A-đam” ra đời từ đấy. Nói đổ cho ông A-đam, thực ra là nỗi lòng của mình. Trẻ ranh đòi đánh bạn với ông Bành Tổ, cứ như được khoác vai ổng đi dạo quanh vườn Địa Đàng, nghe ổng tâm sự rằng cô đơn, lạnh lùng lắm không bằng. Chẳng qua do đọc sách Sáng Thế Ký, thấy hoàn cảnh ổng giống mình nên “suy bụng ta ra bụng người” thế thôi. Theo chân ông Bành Tổ, mình dong duổi đi tìm cái xương sườn bị thất lạc, tám năm sau mới tìm thấy. Lúc đó tuổi đời đã 37.
Bạn bè bảo :
_ Mày chậm chân hơn tao 20 năm.
_ Thôi kệ. Không lẽ đợi đến lúc chống gậy ?
Vậy là đúng 37 tuổi, mình mới lên xe hoa lần đầu…
Dù đôi bạn trẻ đã cao niên, nhưng máy móc vẫn còn tốt lắm. 17 tháng sau vợ mình khai hoa nở nhụy. Mình còn nhớ như in buổi sáng hôm ấy, xách giỏ vào bệnh viện, chạy vấp bong cả móng mà không thấy đau vì mới được lên làm bố. Cảm giác thật lạ lùng khi lần đầu tiên nhìn thấy con: bé tẹo, đỏ hỏn, nằm ngọ ngoạy trong chiếc khăn trắng tinh. Nhưng cái thích thú, lâng lâng ấy chỉ vài ngày sau là tắt ngúm, thay vào đó là cảm giác kinh hoàng của hai tiếng “vợ đẻ”.
11g đêm.
_ Anh ơi, dậy pha sữa.
2g sáng.
_ Anh ơi, pha thuốc cho con.
12g trưa.
_ Anh ơi, đi mua xà bông, phấn tắm cho con rồi về quê báo tin cho nội ngoại..
_ Anh ơi,…
Từ hôm đó trở đi, cứ nghe thấy “anh ơi” là cái ớn lạnh lại chạy rần rật trong cột sống.
Buổi sáng, thức dậy từ 4g. Việc đầu tiên hết sức ấn tượng là “điểm tâm”. Một cái thau đồ tổ bố, đâu phải đồ thường: 50 cái tã lót của con, một đống hầm bà lằng của vợ. Làm gì có máy giặt như bây giờ. Tất cả trông nhờ vào “bàn tay năm ngón anh vẫn kiêu sa”.5g sáng quét dọn rồi nấu nướng. 6g xách giỏ đi chợ. Lần đầu tiên đi chợ bị bọn móc túi dọn sạch váy, vác mặt về bị vợ chửi cho một trận nên thân. Từ thuở mẹ đẻ đến giờ chỉ biết cầm bút, viết văn, chép nhạc, làm thơ, có bao giờ phải làm cái việc “hèn hạ” thế này. Thôi thì tất cả vì vợ con thân yêu. Mình từ từ làm quen với bó rau, quả cà, con tép, con tôm. Riết rồi quen. Lâu lâu không đi chợ cũng nhớ. Có một em bán thịt heo thích mình lắm, không biết thích cái mặt ngô ngố hay thích túi tiền. Ngày nào em cũng dụ mình mua thịt.
Em chào hàng thế này có chết người ta không?:
_Anh ơi, hôm nay đùi em ngon lắm!
_ Anh sơi nguyên miếng mông em đi!
Chợ họp trong xóm, gọi là chợ chồm hổm. Người bán ngồi chồm hổm hai bên lề. Hàng hóa bày biện cả ra đường. Có lần đang lượn mua cá, mình bị một tên ca trưởng bắt quả tang.
_ Đại ca,giữ lõi hay sao mà đảm đang thế? Dạo này sao im re vậy? Có bài nào mới quẳng cho đàn em hót coi.
_ Có đấy, mới cho ra đời một “tác phẩm vĩ đại”(3 ký).
_ Hử? Tác phẩm vĩ đại à? Mấy bè? Mấy chục trang? Em đang cần một bản hợp xướng tầm cỡ như thế.
_ Hừ, không cho được.9 tháng 10 ngày mới xong đấy.
_ Không cho thì bán, hay cho mượn, chép xong trả liền.
_ Không. Không được đâu.
_ Đại ca hôm nay sao thế ? Để em chở đại ca về nhà lấy bài. Sáng mai trả sớm.
_ Thôi biến đi. Đã bảo là không cho, không bán, không mượn được mà…Hì, lần khác nhé . Đang bấn lắm.
Xách giỏ đi chợ về, mình xoay trần trùng trục, lăn ra làm bếp. Hồi đó toàn đun bếp củi, sang lắm là bếp dầu, làm gì có bếp ga như bây giờ. Ngày xưa học văn chương, thi phú, triết lý, thần học, bây giờ học làm bếp. Thầy giáo là vợ chứ còn ai.Vợ mình vừa cho con bú, vừa chỉ vẽ từng ly từng tí, cách nấu cơm, kho cá, kho thịt, nấu canh. Mình ghi lòng tạc dạ rồi phóng ù xuống bếp thi hành phận sự. Bắc nồi cơm lên bếp xong, mình chạy lên nhà ngắm con bé -mới được ba ngày, xem đã lớn chưa . Bỗng vợ la lên :
_ Anh ơi, cái gì cháy dưới bếp kìa.
Mình ba chân bốn cẳng phóng xuống. Cả nồi cả rế đang ngự trên bếp, lửa cháy bừng bừng, đang bén vào đống củi bên cạnh. Báo đời vợ con! Cơm khét, cá cháy, thịt đen xì, canh khô ran là chuyện thường ngày.Nhiều lần vợ đói ngấu, giục dọn cơm. Mình bê lên nào cá chiên, canh cua rau đay, cà pháo mắm tôm. Vợ hỏi :
_ Cơm đâu?
Bấy giờ mới sực nhớ chưa nấu cơm. Dĩ nhiên, món ăn khai vị của mình hôm đó là “ măng sắc”.
Nhiều lần ngồi nấu cơm, mình ghé mắt nhìn trộm sang hàng xóm. Nhà họ sáng choang, rộng rãi, thoáng mát, đồ đạc sang trọng. Còn nhà mình - đúng ra là nhà trọ của mình, chưa được 6m vuông, chỉ bằng một ô chuồng heo, bẩn như chuồng heo nhưng không mát bằng. Mái tôn thấp lè tè, nóng như cái lò gạch. Mấy lần vợ mình khóc lóc than thân trách phận :
_ Chừng nào vợ chồng mình mới có tiền mua đất, xây nhà? Cứ đi ăn nhờ ở đậu thế này cực quá ! Hic. Hôm tết ghé nhà anh Hai, em ước ao mình được ở cái ga-ra nhà ảnh .Hic. Anh ráng kiếm thêm học trò mà dạy.Bây giờ lại thêm khoản tiền mua sữa cho con. Bớt viết nhạc viết văn đi. Có được đồng xu cắc kẽm nào đâu. Chỉ được bốc thơm. Mũi to, bụng lép. Hic.Hic…
Mình lau nước mắt cho vợ, cố tìm lời khích lệ để em tin tưởng vào tương lai. “Chẳng lẽ ta đâu mãi thế này”.Mình cũng “tự sướng” bằng cách nghĩ ra mấy chuyện tiếu lâm và mấy câu “giáo lý hôn nhân thời ở trọ”,thỉnh thoảng lôi ra đọc cho vợ nghe đỡ buồn.( Đôi tân hôn nào vào khảo giáo lý mà đọc mấy câu này là tiêu luôn, hết cưới.):
_Hỏi khi vợ đẻ thì phải làm mấy sự?
_ Thưa phải làm hết mọi sự.
_ Hỏi những sự ấy là những sự nào?
_ Thưa là những sự này: một là đi chợ, hai là nấu ăn,ba là quét nhà, bốn là giặt tã…
_ Hỏi vất vả như thế có được thưởng gì chăng?
_Thưa chẳng được thưởng gì sốt.Tối đến phải ngủ riêng.
_ Đồ quỉ!
Em cầm chổi đuổi mình chạy khắp nhà.
_ Anh này thật bất công, toàn kể công mình không hà.Còn vợ suốt ngày chỉ có nằm cho con bú thôi sao?.
_ Em ơi là em, công anh chỉ có vậy thôi. Công em gấp năm,gấp mười lần như thế. Em thử nghĩ coi:một người vác chiếc bao một lúc đã mỏi lắm rồi. Đây em đeo cái bụng bầu nặng trên chục ký, đâu phải vài giờ, suốt năm sáu tháng trời, cả ngày lẫn đêm. Chỉ nguyên gánh nặng đó đã đánh đổ mọi cơ cực của anh rồi.
Thấm thoát 16 năm đi qua. Bây giờ gia đình mình đã có nhà có cửa, con cái khôn lớn, vợ chồng lâu lâu ôn lại kỷ niệm xưa. Hôm nào như thế, y kỳ đến đêm :
_ Dậy, dậy đi anh. Gặp ác mộng hay sao mà cứ co giật đùng đùng, mồ hôi mồ kê vãi ra ướt dầm hết cả người.
_ Anh mơ thấy… vợ đẻ.
_ Ui! Đẻ à? Thích quá! Trai hay gái vậy anh ????!!!???