Nguyen Ngoc Hai
Tổng số bài gửi : 96 Points : 270 Join date : 13/04/2011
| Tiêu đề: Nước mắt ngàn thu 12/11/2014, 11:56 pm | |
| (Bài viết dành riêng cho Ktsm.com)_____________________________________________Bài viết tưởng nhớ Thầy Phạm Ngọc Vinh – Cựu GS Trường Trung học SaomaiDanang (2) Nước mắt ngàn thu…Nguyện cầu Thiên Chúa nhân từ - xin dẫn đưa linh hồn Cố Giáo sư Anthony PhamNgocVinh được lên chốn nghỉ ngơi đời đời…
Nếu ông bà cổ nhân xưa đã từng cho là Trường sinh bất tử, thì trên cõi dương thế này sẽ không bao giờ có những giọt nước mắt sinh ly tử biệt. Nếu sự sinh tử sẽ không tồn tại trên cuộc đời này thì mỗi con người chúng ta sẽ có những niềm hạnh phúc vô biên.
Ngày hôm nay phải nói lên rằng: Ngôi trường SaoMai đã vĩnh viễn mất đi thêm một người cha, lại thêm một người Thầy, có thể nói là một đấng quân sư, Người Đưa đò – Vị Giáo sư ưu việt Anthony PhamNgocVinh đã thật sự về nơi chốn thiên thu vĩnh hằng…
Chúng tôi vẫn còn nhớ năm 1974, Cha Cố già Giuse -Đấng sáng lập ngôi nhà Mẹ SaoMai đã được Thiên Chúa gọi về; rồi đến năm 1990 lại gọi thêm Cha Cố Anthony sau những tháng ngày đã xong xuôi những công việc được giao phó ở trần gian… rồi đến ngày hôm nay (2014) sau khi mọi con người đã bước qua thế kỷ XXI thì người thầy Ant. PhamNgocVinh cũng được Ngài gọi về sau một chuỗi đời dài 94 mùa Xuân trôi qua, có thể nhìn nhận được rằng: một chuỗi cuộc đời của Thầy đã sống. làm việc theo một chữ Tâm, một chữ ân nghĩa; với những trọng trách mà Ơn Trên và cuộc đời đã giao phó cho Thầy… và hôm nay hầu như mọi công việc đã được hoàn tất – giờ đây Thầy sẽ giao phó linh hồn Thầy trong tay Cha… để Người Thầy Ant. Ra đi trong niềm hoan hỷ và mãn nguyện vui sướng.
Ngày hôm nay, đoàn con SaoMai có thể cất lên với hai tiếng Thầy ơi ! Để tưởng nhớ về cho một đấng trượng phu, một đấng sinh thành về một khía cạnh tri thức, hay là một lĩnh vực siêu nhiên huyền diệu của cái đạo làm người. Thế là cả ba trong những người Cha, người Thầy lại ra đi về cõi thiên ngàn cùng với một mùa hè, những mùa phượng rơi xào xạc trong sân trường, cho đến khi gió mùa thu bắt đầu thổi đưa nhè nhẹ mà những cánh hoa phượng cứ còn mãi luyến lưu với sân trường như còn mãi tiếc nuối ai về cho một thời…
Người đưa đò vẫn cứ lặng lẽ âm thầm đưa khách qua sông
Cũng chính vì thế mà ngày hôm nay hầu như tất cả những người con là Cựu Học sinh SaoMai trải qua nhiều giai đoạn, qua những thời kỳ, và suốt chặng đường ngôi nhà Mẹ SaoMai còn cứ tưởng như mãi tồn tại lại nhận thức được môn học Giáo dục Công dân của Thầy mới có giá trị nhân bản và nhân văn biết là dường nào; đến hôm nay những người con SaoMai mới thấy được giá trị cao cả và huyền nhiệm về môn học của Thầy VINH; tương tự cũng gần giống như môn Đạo đức học của Thầy Đoàn Đức Triệu vậy. Và cũng chính vì thế ngày hôm nay những cái gì cũng rồi sẽ lần lượt mất đi, thì những lời giảng ngày xưa của quý thầy cô đã từng nói: Các em đều phải cố gắng học hành để mai sau thành những con người có ích cho xã hội… Đôi khi chúng ta lại suy nghĩ: tại sao những người Thầy đạo đức và giỏi giang như Thầy Vinh mà lại chọn môn Công dân để truyền thụ lại cho những thế hệ học trò qua nhiều thời kỳ.
Thầy ơi ! Ngày hôm nay tại quê nhà, những người con SaoMai đang cùng nhau họp mặt kỷ niệm 55 năm ngày thành lập nhà trường – cũng là lần thứ VIII ngày tựu trường của những người con SaoMai… Hầu như với tất cả những người con SaoMai đều không khỏi được sơ qua với những lời giảng của Thầy Vinh trong một đời là học trò cấp Trung học của Trường SaoMai, hình như với những lời giảng của những bài học tâm huyết ấy chính là cả một hành trang mà ngày hôm nay đó là một vốn sống về nhân bản của một con người mình đang sống trong một xã hội, thời gian trôi qua âm thầm và lặng lẽ như thoi đưa, nhưng lời Thầy năm xưa vẫn còn văng vẳng đâu đó như muốn còn nhắc nhở chúng ta về một kiếp nhân sinh làm người.
Giờ đây, có những quý thầy cô phải lần lượt ra đi, đều phải đi qua một cánh cửa cuộc đời cũng như tất cả mọi con người ngày xưa nào đó đã phải bước qua một cánh cửa vào đời, Cha Cố Giuse, Cha Cố Anthony, Thầy Tế, Thầy Thông, Thầy Quân… Rồi lại đến hôm nay: Thầy Cố Ant. PhamNgocVinh cũng phải đến lượt đi qua cánh cửa đã rộng mở để đi qua phía bên kia thế giới, một chặng đường 94 mùa hoa với bao nhiêu trọng trách, biết bao nhiêu gánh nặng và nhiều nỗi lo toan trong cuộc sống của Thầy, buồn có vui có; lẫn quẫn như một kiếp thoi đưa mà Thầy đã sống, đã cống hiến và phục vụ trong mọi nhiệm vụ của đời Thầy vậy… Thật sung mãn một điều: ngày hôm nay có lẽ khi bước qua cánh của mây ngàn để trở về với cõi thiên thai nào đó… chúng con – những người con SaoMai nói riêng, cũng như trải qua biết bao nhiêu lớp học trò của những phương xa nào đó nói chung; một thời kỳ mà Thầy đã nhận danh chức Giáo sư, thì Thầy đã dạy dỗ cho biết bao nhiêu con người qua nhiều thế hệ, để rồi họ sẽ đi qua một cánh cửa rộng mở để tiến bước hiên ngang vào một xã hội cuộc đời của ngày ấy và hôm nay, cuộc đời Thầy cũng đã sống và hiện diện qua hết 94 mùa mai nở, chứng kiến biết bao nhiêu học trò của Thầy đã thành đạt, chứng giám biết bao nhiêu buồn vui của đời Thầy…
94 năm trôi qua của một đời người, hết 33 năm (1942-1975) đứng trên bục giảng nhà trường để truyền đạt lại cái nhân bản và nhân văn cho các thế hệ học trò, khoảng chừng 20 năm trên mảnh đất khách quê lạ xứ người làm nghề dịch thuật và tư vấn pháp lý cho mọi thành phần công dân, và còn lại những năm cuối cuộc đời, có lẽ Thầy VINH sẽ ngồi ngẫm nghĩ lại để có thể mỉm cười về cho một quãng đời dài với hết trọn chữ Tâm qua rất nhiều thế hệ học trò của Thầy.
94 năm trôi qua, có thể nói cuộc đời Thầy Vinh đã làm một kiếp tằm nhả tơ trọn hết một cái Tâm của một con người quân tử để sống đầy đủ với cái nghĩa tình người, sống trọn với một cái Tâm; cho đi mà không hối tiếc, trải nghiệm mà không toan tính, một đời với một cái nghĩa ân thường đúng một đạo lý như môn học Giáo dục Công dân của Thầy
Giờ đây, trên bến vắng chỉ còn lại lẻ loi một con thuyền, vì người lái đò xưa đã đi xa
94 năm trôi qua, một đời làm người của người Thầy PhamNgocVinh đã được hưởng thụ với 94 mùa Xuân, với tất cả 94 cây đèn hồng sinh nhật, với những nụ cười, chứng kiến biết bao nhiêu mùa phương rơi, nhưng có lẽ tâm hồn của Thầy Vinh vẫn còn xao xuyến khi nhìn những xác phượng hồng bay theo từng cơn gió trong những sân trường, và sẽ còn vui mừng như thế nào khi mùa khai trường của những mùa thu rụng lá, cũng như chứng kiến được bao nhiêu nỗi buồn khi mùa đông về với bao nhiêu trận mưa bay, mà lại có khi là cả những cơn bão tố của miền trung nghèo nàn này.
94 năm trôi qua của một đời người, Thầy VINH cũng đã trải qua một đời học trò (1921)1927-1941), cũng đã từng là một nhà báo, và cũng đã là một cây bút không bao giờ tà với một chữ Tâm chân chính, một người Thầy (1942-1975) với một quãng đời đem hết tâm huyết để dạy dỗ biết bao nhiêu thế hệ mà không vị lợi cho bản thân mình.
94 năm trôi qua của một đời người biết bao nhiêu buồn vui lẫn lộn trong cái kiếp nhả tơ đưa đò, chúng con nhận diện được lúc nào trên môi Thầy cũng có những nụ cười, một đời làm nhà mô phạm của Thầy, có lẽ với cái Tâm -Thầy cũng đã cho đi tất cả, không toan tính, để rồi trên những bậc thềm của nhà trường Thầy vẫn còn mãi đứng để nhìn cho những lớp học trò cứ lần lượt ra đi, ra đi với một hành trang đầy ắp với trọn chữ hiếu, chữ nhân và cái nghĩa của một con người mà Thầy đã dày công truyền đạt…
94 năm trôi qua giống như một khoảnh khắc thời gian của một đời người, giờ đây chúng con cũng đã nhận thấy khi bước qua cánh cửa hẹp để về với cõi thiên thu mây ngàn… Thầy Ant. Còn quay lại mỉm cười và chào tất cả bè bạn của Thầy và tất cả học trò chúng con một lần cuối…Vậy là trọng trách của Thầy Ant. Cũng như Cha Cố Giuse, Cha Cố Anthony, quý Thầy Trần Tế, Thầy Trần Văn Thông, Thầy Trần Đình Quân, và quý thầy cô khác nữa… hầu như cũng đã xong xuôi và trả xong một kiếp nợ trần thế, để giờ ra đi của Thầy cũng đã thanh thản lắm phải chăng Thầy nhỉ (?)
Một cuộc đời của Thầy VINH, cũng như một đời của Thầy Trần Tế, cũng như một đời của Thầy Trần Đình Quân, thầy Trần Văn Thông… và còn biết bao nhiêu người Thầy khác nữa trong cuộc đời của những học trò đã được huấn giáo và ra đi từ bến đò SaoMai ngày ấy… Cho đến hôm nay tuy có người đã được nghỉ yên trong lòng đất mẹ, có những con người còn mãi bôn ba với cuộc sống áo cơm gạo tiền, có những người đang còn là những lữ khách chưa tìm thấy đường về, biết bao nhiêu là số phận của cuộc sống, còn biết bao nhiêu là những đắng cay và tủi hờn, nhưng có lẽ cũng không bao giờ có thể quên được những tháng ngày dài nghe được gió lùa qua khung cửa lớp, thấy được bụi phấn còn cứ mãi vương
Còn nhớ lại trong sử sách, đấng quân thần Nguyễn Trãi cũng đã nói: lấy chí nhân để thay cường bạo, lấy nghĩa nhân khỏa lấp hận thù… thì ngày ấy đấng phu tử PhamNgocVinh cũng đã lấy được nhân bản để huấn giáo con người, lấy nhân văn để đối nhân xử thế, lấy An vui để níu kéo với mọi học trò, lấy Tình thương để hiện hữu tình đoàn kết… Chính vì vậy mà bây giờ những Cựu học sinh SaoMai mới nhận thức được giá trị cơ năng của môn học Giáo dục Công dân của Thầy là như thế.
Cuộc sống rồi đây ai ai cũng phải đi qua một cái cửa ải cuối cùng của đời mình, ai ai rồi cũng phải nằm xuống và ngủ yên trong giấc ngủ ngàn thu, thân xác của con người sẽ được hóa kiếp để trở về với thưở ban đầu tro bụi, Cha Cố Giuse, Cha Cố Anthony, Thầy Trần Tế, Thầy Thông, Thầy Trần Đình Quân, và những người Thầy khác, cũng như biết bao nhiêu người con học trò ngày ấy và hôm nay cũng đã được yên nghỉ trong lòng đất, cho dù ở phương trời xa xôi nào đó, cho dù nơi gió núi mây ngàn, cho dù bị chìm đắm dưới lòng biển bao la, thì cái nhân cái nghĩa, cái ân tình vẫn luôn là một chủ đề sống cũng như với cuộc sống của tất cả con người chúng ta đều cũng sẽ được giải bày trong cuộc sống tạm bợ ngày hôm nay…
Vậy là người Thầy PhamNgocVinh cũng đã xong xuôi theo một kiếp đời của trần thế này, cũng như Thầy Tế, Thầy Quân, Thầy Thông hoặc những quý Thầy Cô khác mà tôi chưa được hay tin… để rồi ai ai cũng phải nhận thấy trong Thánh Kinh cũng đã nói: Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời; hay là Sự Sống chỉ thay đổi chứ không mất đi… và tất cả mỗi con người chúng ta đều có cho mình một cõi chốn tâm linh để làm lộ phí và đi về, cho dẫu là chốn thiên thu, cho dẫu là chốn mây ngàn nào đó, cho dù là những chốn ta bà, chân không hoặc những cõi hư vô nào đi nữa… thì cái nhân và cái nghĩa là một gánh nặng hành trang mà tất cả chúng ta ắt phải đón nhận; Thầy PhamNgocVinh, người phu tử PhamNgocVinh, một con chiên Anthony cũng đã làm được hoàn tất điều đó của một đời làm người, làm Cha và làm Thầy, cũng như quý Thầy Thông, Thầy Tế, Thầy Quân cũng đã một đời hoàn tất hết cái ân cái nghĩa của chính mình vậy…
Hôm nay, chúng tôi đều là những môn sinh của Thầy VINH cũng như với quý thầy cô SaoMai – một người Thầy đáng kính, một đấng trượng phu quân tử và cũng còn có thể được gọi là một nhà hiền triết của một đời người mô phạm, một cuộc đời với một chữ Tâm và một gương nghĩa nhân thật đúng nghĩa, ngày hôm qua quý Thầy Tế, thầy Quân, Thầy Thông đã ra đi và yên nghỉ giấc nghìn thu, ngày hôm nay đến lượt God father Ant. PhamNgocVinh cũng đã phải đi về miền thiên cổ, cũng đã được nghỉ yên trong gió mùa thu của mùa khai trường; cho dẫu là nơi những miền đất xa xăm nào, cho dẫu là ngay trên quê mẹ dấu yêu, hay còn có những linh hồn còn cứ mãi vất vưởng trên đầu sóng ngọn gió… thì như thế cũng đã đầy đủ cho một cái kiếp làm người… NguyenNgocHai. - Xin tri ân một nén nhang kính cẩn và tiếc thương về cho Thầy PhamNgocVinh, (cũng như Thầy Trần Tế, Thầy Trần Đình Quân, Thầy Trần Văn Thông và những người Thầy đã ra đi…) - Xin được ghi khắc mãi với cái nhân bản và sự giá trị nhân văn của môn học Công dân Giáo dục. - Xin Thành kính chia buồn với bạn học cũ PhamHoangAnh – Cựu học sinh (Đội trưởng Đội Triệu Ẩu) lớp Nhì B, lớp Nhất B của Thầy Võ Đức Thạnh ngày xưa… | |
|